Trước năm 2001, Bộ môn Phục hồi chức năng (PHCN) được ghép vào chung với bộ môn Y học Lao động. Năm 2001, khi Trường đổi tên thành Trường Đại học Y tế Công cộng thì Bộ môn Phục hồi chức năng chính thức được thành lập.

I. Nhiệm vụ của Bộ môn:

  • Bộ môn đã xây dựng chương trình đào tạo mã ngành Cử nhân kỹ thuật Phục hồi chức năng và bắt đầu tuyển sinh vào năm học 2020 – 2021, tính đến năm 2022 – 2023 là khóa thứ 3.
  • Chuẩn bị khung chương trình và dự kiến tuyển sinh đào tạo mã ngành cử nhân VLVH Kỹ thuật Phục hồi chức năng khóa 1 vào năm 2023 – 2024.
  • Xây dựng và thực hiện các khoá đào tạo và bồi dưỡng về phát hiện sớm khuyết tật, xác định nhu cầu cần PHCN của người tàn tật và tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
  • Thực hiện và tham gia các nghiên cứu về tàn tật hoặc liên quan đến tàn tật và PHCN. Năm 2019, Bộ môn đã tham gia nghiên cứu Đánh giá nhu cầu đào tạo cử nhân kỹ thuật Phục hồi Chức năng tại Việt Nam.
  • Đồng thời, năm 2019-2020, bộ môn đã tham gia nghiên cứu Đánh giá nhu cầu thông tin của người chăm sóc nạn nhân chất độc Hoá học Dioxin
  • Thực hiện và tham gia các dự án về mô hình cung cấp dịch vụ PHCN cho người tàn tật bao gồm can thiệp sớm, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, giáo dục hoà nhập, dịch vụ chỉnh hình.
  • Tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo và bồi dưỡng về khuyết tật và PHCN. Liên tục đổi mới kiến thức và kỹ năng giảng dạy, phần đấu trở thành một trong các trung tâm giảng dạy về PHCN dựa vào cộng đồng trong vùng Đông Nam châu Á.
  • Thực hiện và tham gia các nghiên cứu liên quan đến khuyết tật và PHCN, đặc biệt là các khía cạnh xã hội và sức khỏe của người khuyết tật và chương trình PHCN dựa vào cộng đồng.
  • Đề xuất và thực hiện các dự án liên quan đến khuyết tật và phòng ngừa khuyết tật.
  • Tiếp tục hợp tác quốc tế và hợp tác đa ngành nhằm nâng cao vị thế của Bộ môn

II. Giới thiệu mã ngành Cử nhân kỹ thuật Phục hồi chức năng

1. Giới thiệu chung

Phục hồi chức năng là một trong bốn lĩnh vực trong chăm sóc sức khỏe toàn diện, gồm: nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Trong đó, các kỹ thuật PHCN là tổng hợp các phương pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu giúp người bệnh, người có nhu cầu PHCN tăng cường khả năng còn lại giúp họ có thể vui chơi, học tập, làm việc và hòa nhập cộng đồng.

Trường Đại học Y tế công cộng là trường đại học công lập duy nhất tại Hà Nội đào tạo ngành Cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng.

Với cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập hiện đại; cơ sở thực hành là phòng khám đa khoa trực thuộc trường được trang bị đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn của Nhật, các bệnh viện, trung tâm PHCN hàng đầu ở khu vực phía Bắc, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình bệnh tật cũng như cập nhật liên tục các kiến thức về chuyên ngành.

Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng tại trường Đại học Y tế công cộng, với chuẩn năng lực và chương trình đào tạo tiên tiến, chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành và các kỹ năng mềm, hứa hẹn sẽ đào tạo sinh viên Kỹ thuật PHCN có đủ kỹ năng và bản lĩnh nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực PHCN chất lượng cao của ngành Y tế.

2. Học bổng

Với phương châm khuyến khích, bồi dưỡng nhân tài và mang lại cơ hội phát triển tối đa cho sinh viên, hàng năm nhà trường luôn có các Quỹ học bổng đồng hành cùng sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên có thành tích cao trong học tập.

3. Cơ hội/ vị trí việc làm

Cơ hội việc làm của cử nhân kỹ thuật PHCN rất rộng mở, đặc biệt trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực như hiện nay. Sinh viên ra trường có thể làm việc tại:

  • Các Khoa/Phòng PHCN, khoa Đông Y của các bệnh viện;
  • Trung tâm y tế công lập và tư nhân, bệnh viện, trung tâm PHCN;
  • Các cơ sở giáo dục đào tạo, các dự án về chuyên ngành PHCN;
  • Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về PHCN và người khuyết tật;
  • Trung tâm dưỡng lão, trung tâm Bảo trợ xã hội;
  • Công ty cung cấp trang thiết bị y tế;
  • Các trung tâm thể thao hay dịch vụ PHCN tại nhà.