Phục hồi chức năng là trị liệu không thể thiếu đối với người bệnh TBMMN. Các kỹ thuật PHCN ngày nay đều dựa trên các bằng chứng khoa học về sự phục hồi sau tổn thương não bộ, giúp hồi phục và tối đa hóa khả năng của người bệnh, giúp họ vượt qua mặc cảm bệnh tật và độc lập tối đa trong cuộc sống.

Tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người lớn. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật (CDC - Centers for Disease Control and Prevention), cứ 40 giây trôi qua lại có một người bị TBMMN và mỗi 4 phút trôi qua thì có một người tử vong vì căn bệnh này.

Vậy tai biến mạch máu não là gì?

 

(Nguồn cdc.gov)

 

 

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ, xảy ra thường do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc. TBMMN phân thành hai loại chính là xuất huyết não và nhồi máu não. Yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì …

Người bệnh TBMMN sẽ gặp phải những vấn đề gì?

  • Hạn chế khả năng vận động, di chuyển do các cơ bị liệt
  • Các biến chứng cho nằm bất động thời gian dài như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, loét tì đè …
  • Khó hoặc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày như ăn, uống, tắm…
  • Khó khăn trong giao tiếp do hiểu hoặc diễn đạt lời nói kém, gây mặc cảm tự ti cho người bệnh

Phục hồi chức năng cho người bệnh TBMMN?

      Người bị TBMMN cần được tập luyện phục hồi chức năng sớm, toàn diện và tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh để phòng ngừa các biến chứng, giúp người bệnh học tập lại các mẫu vận động đã mất, đặc biệt là tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi sau này.

KTV vận động trị liệu sẽ thực hiện các bài tập cho người bệnh: tập phục hồi các cơ bên liệt, tập vận động theo tầm vận động khớp phòng co rút và biến dạng khớp. Ngoài ra, KTV sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tập đứng, đi, leo cầu thang, sử dụng xe lăn cũng như các dụng cụ trợ giúp khác giúp bệnh nhân độc lập trong di chuyển.

 

Người bệnh được hướng dẫn thực hiện các bài tập chi trên, giúp tăng cường sức mạnh cơ chi trên, rèn luyện sự khéo léo bàn tay, thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, hỗ trợ tâm lý, tư vấn việc làm …

Bên cạnh đó, các kỹ thuật ngôn ngữ trị liệu sẽ được áp dụng cho các trường hợp gặp khó khăn khi hiểu và diễn đạt lời nói, cử chỉ, biểu lộ cảm xúc cũng như xử lý các vấn đề liên quan rối loạn nuốt và dinh dưỡng cho người bệnh.

 

      Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và áp dụng y học dựa trên bằng chứng trong thực hành y khoa, người bệnh TBMMN sẽ được áp dụng một cách toàn diện và phối hợp nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng khác nhau. Những phương pháp này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục vận động, ngôn ngữ-nhận thức, giúp người bệnh độc lập tối đa trong cuộc sống hàng ngày và tái hòa nhập xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng của mô hình bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm như tai biến mạch máu não, đái tháo đường, tăng huyết áp…. Bên cạnh đó, cùng với quá trình già hóa dân số làm cho nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng tăng. Xuất phát từ thực tế đó, nhằm bổ sung nguồn nhân lực kỹ thuật phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế, Trường Đại học Y tế công cộng sẽ bắt đầu triển khai đào tạo Cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng từ năm học 2020-2021. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành trong lượng giá, lập kế hoạch, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh; tư vấn, hướng dẫn chế độ luyện tập trong phòng bệnh, điều trị và phục hồi chức năng… nhằm hỗ trợ sinh viên sau khi ra trường có đầy đủ năng lực chuyên môn nghề nghiệp trong hệ thống y tế.